Tổng quan Bánh đa đỏ

Thực tế thì bánh đa đỏ cũng có thể chế biến tại những địa phương khác (ngoài Hải Phòng) và cũng đã có một số cơ sở chế biến thực phẩm tại Việt Nam chế biến bánh đa đỏ (bao gồm cả bánh đa cua ăn liền của hãng VIFON) đóng gói sẵn để có thể bảo quản lâu hơn và mang đi xa. Tuy nhiên loại bánh đa đỏ đóng gói sẵn (thường gọi là bánh đa đỏ khô) khi trần qua nước sôi thường không có được mùi vị thơm của gạo mới cũng như độ dai (một đặc tính quyết định chất lượng của bánh đa đỏ so với các loại sợi bánh khác) cần thiết như là bánh đa đỏ tươi. Sợi bánh đa đỏ đạt yêu cầu về chất lượng là khi có mùi thơm của gạo dùng chế biến bánh đa (không có mùi hôi, ẩm mốc).

Do đặc tính về thành phần nguyên liệu và mùi vị trong quá trình sản xuất nên người Hải Phòng đặc biệt ưa thích và ưu tiên sử dụng sợi bánh đa đỏ trong chế biến với các nguyên liệu thủy hải sản (dù là loài thuộc vùng nước ngọt nơi đồng ruộng, nước lợ nơi cửa sông hay nước mặn vùng biển cả) mặc dù bánh đa sợi trắng cũng thực sự phổ biến với người dân nơi đây. Các loại thủy hải sản phổ biến thường dùng là cua đồng, cua bể, tôm rảo, tôm sú, chả cá thu (theo cách thức chế biến kiểu Hải Phòng),[1] bề bề.

Nói chung, trong chế biến bánh đa đỏ với nước dùng thì người Hải Phòng thường sử dụng loại sợi bánh bản rộng hơn từ gấp rưỡi tới gấp đôi bản rộng của sợi bánh đa trắng theo tiêu chuẩn địa phương. Bánh đa đỏ trộn là một trong những cách chế biến bánh đa đỏ có nguồn gốc từ ẩm thực Hải Phòng, tuy tương đối mới nhưng trong khoảng những năm từ 2010 trở lại đã nhanh chóng thu hút được khẩu vị của không ít thực khách, đặc biệt là những người trẻ tuổi không chỉ ở Hải Phòng mà còn ở một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội chẳng hạn.[2]